Hà Nội ngày 20/8 quyết định kéo dài thời gian giãn cách toàn xã hội đến 6h ngày 6/9. Sở Công thương đã ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Cụ thể, về nguồn cung, Hà Nội khẳng định luôn chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng.
Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh giảm khoảng 10%-15% do phải đóng cửa, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5-2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố; một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%).
Các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7…) để phục vụ nhân dân.Do đó hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định (trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ khoảng 5% – 7%).
Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng Phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí.
Đến nay, 9 quận đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TP.HCM đã triển khai mô hình bán hàng thiết yếu bằng xe buýt (Ảnh: Viết Thanh)
Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối để mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại. Khi có các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đều xây dựng phương án cụ thể về cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, bố trí các lực lượng phối hợp với đơn vị phân phối trên địa bàn để phục vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.
Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm khi diễn biến dịch phức tạp hơn, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký nhu cầu 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, 14 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô và xe buýt.
Sở Công thương Hà Nội cho biết tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành phố tiêu thụ sản phẩm dư cung, đang khó khăn trong tiêu thụ. Đồng thời phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Về lưu thông vận chuyển, thành phố đã chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa. Cụ thể, xe của các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất, kinh doanh; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn (Tổng vận tải, Bưu điện thành phố, các đơn vị logistics, thương mại điện tử, taxi, xe huy động của các địa phương, Hội LHTN TP và Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình…).
Kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Một số quận, huyện, thị xã đã bố trí các xe lưu động, xe điện cung ứng hàng hóa cho nhân dân các vùng cách ly, phong tỏa. Đến nay hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường.
Đến ngày 20/8, Sở GTVT cấp mã QR Code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ô tô vận chuyển hàng hóa lĩnh vực công thương, cấp mã xác nhận cho 9.822 xe mô tô, xe hai bánh phục vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp thương mại điện tử.
Về hệ thống phân phối, hiện nay trên địa bàn TP có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 7 lần so với hàng năm) đã được Sở Công thương niêm yết công khai.
Từ đầu tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa. Thành phố đã chỉ đạo các quận/huyện đẩy nhanh các hoạt động truy vết, khử khuẩn, hoàn thiện các điều kiện để sớm mở cửa trở lại đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân và công tác phòng chống dịch.
Lũy kế đến ngày 20/8, trên địa bàn còn 32 chợ, 7 cửa hàng tiện lợi đóng cửa để thực hiện truy vết, khử khuẩn. Chợ Đầu mối phía Nam mở cửa trở lại từ sáng 17/8, chợ đầu mối Minh Khai mở cửa vào 23h ngày 21/8.
TP đang giao Sở Công thương, Sở Y tế hướng dẫn quy trình đóng, mở cửa trở lại cho các hệ thống phân phối để thống nhất triển khai trên địa bàn TP nhằm đảm bảo đủ hệ thống phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân đi mua hàng khai báo y tế đầy đủ, khuyến khích quét mã QR và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo quy định.
Các hệ thống phân phối phải đảm bảo nghiêm công tác phòng chống dịch, tăng cường lắp đặt các camera, các biện pháp phòng chống dịch nhằm thuận tiện cho công tác truy vết khi có ca F0 tại điểm bán.
Để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa cho TP và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, TP đã nhất trí trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố gồm: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội – xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên; Khu tái định cư – xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn; Ô đất trống xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; Bến xe Yên Nghĩa – phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; Trung tâm xúc tiến thương mại – Bộ Nông nghiệp & PTNT số 489 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm.
Trong ngày, Hà Nội ghi nhận tổng 81 ca Covid-19, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 lên 2.490. Trong đó, 1.277 người ngoài cộng đồng và 1.213 người trong khu cách ly. Thành phố quyết định kéo dài thời gian giãn cách toàn xã hội đến 6h ngày 6/9.